Không phù hợp xu thế
Ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông, phân tích trong trường hợp VNPT cho sáp nhập thì trên thị trường chỉ còn 2 mạng di động lớn của Viettel và VNPT. Như vậy sẽ đưa thị trường về thời kỳ độc quyền, không thể giữ được thị trường theo thế chân vạc với các mạng ngang tài ngang sức, như thế sẽ không duy trì được thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh.
Đồng tình, TS Nguyễn Văn Vịnh – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, cho rằng: Hiện thị trường DĐ nằm trong tay 3 “ông lớn” là Vinaphone, Mobipone và Viettel. Theo sách trắng năm 2011 của Bộ TT- TT, Viettel chiếm 36,72% thị phần, Mobifone chiếm 29,11% và Vinaphone chiếm 28,71%.
“Nếu trong 3 “ông lớn” biến mất 1 “ông”, thì về lý thuyết, tính cạnh tranh của thị trường sẽ giảm đi. Sẽ có rủi ro là 2 “ông” bắt tay nhau để quyết định thị trường. Như vậy, việc sáp nhập Vinaphone và Mobifone sẽ phá vỡ quy hoạch viễn thông quốc gia mà Bộ TT-TT đang xây dựng. Thị trường cơ bản sẽ tập trung vào 2 mạng di động là VNPT và Viettel. Các mạng di động còn lại chỉ chiếm 5%, quá nhỏ để cạnh tranh với 2 ông khổng lồ chiếm tới 95% thị trường.
Hiện nay các mạng DĐ nhỏ vô cùng khó khăn, như S-Fone gần như mất tích trên thị trường, Beeline và Vietnamobile có quá ít thuê bao. Các mạng nhỏ gần như miễn phí cước nội mạng nhưng không thể phát triển được. Như vậy không thể không lo ngại đến việc các “ông lớn” sẽ ép chết các mạng nhỏ rồi bắt tay nhau độc quyền.
Lịch sử dịch vụ DĐ Việt Nam đã chứng minh điều đó khi mà Comvick (Thụy Điển) đầu tư và quản lý mạng Mobifone và VNPT đầu tư quản lý mạng Vinaphone. Lúc đó tuy có hai mạng di động nhưng bản chất vẫn là độc quyền tự nhiên. Lúc đó khách hàng phải chịu mức cước cao và vùng phủ sóng hẹp cũng như ít các chương trình ưu đãi, chăm sóc khách hàng. Sau này, bằng biện pháp cấp phép cho nhiều DN tham gia thị trường tạo cạnh tranh mạnh nên di động đã được bình dân hóa. Thế nhưng với việc thị trường chỉ còn VNPT và Viettel thì nguy cơ độc quyền đang lộ rõ. Như vậy khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi nhất trong cuộc sáp nhập này.
Ngoài ra, theo ông Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, xu hướng chung của thị trường viễn thông các nước trên thế giới thường có 3 - 4 hãng lớn nắm phần lớn thị phần. Chẳng hạn như Trung Quốc có 3 mạng gồm China Mobile, China Unicom, China Telecom; Mỹ có 4 “đại gia” là AT&T, T-Moblie, Verizon, Sprint…
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ, cũng cho rằng: Theo dự thảo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đang được Bộ TT-TT trình Chính phủ ban hành thì ở mỗi dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, internet băng rộng... phải đảm bảo thông qua các chính sách cấp phép, kết nối và quy hoạch tài nguyên phù hợp để có ít nhất 3 DN tham gia nhằm thúc đẩy cạnh tranh.
CPH là phương án tối ưu
“Luật đã quy định thì không thể làm khác, cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết, tức là tiến hành cổ phần hóa, bán 80% cổ phần của 1 trong 2 DN, có thể bán cổ phần cho nhiều người mua chứ không nhất thiết nhắm vào 1- 2 DN”, TS Cù Chí Lợi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bày tỏ.
Trái với e ngại “không dễ để kiếm một khách hàng tử tế”, TS Lợi lạc quan cho rằng bán cổ phiếu ra thị trường, chắc chắn sẽ “đắt hàng” vì thị trường viễn thông hiện rất hấp dẫn, nhất là 2 mạng này. Thực hiện phương án này, người tiêu dùng càng có lợi khi có nhiều DN cùng cung cấp dịch vụ, khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn.
Ở khía cạnh Nhà nước làm “bệ đỡ” cho thị trường, TS Vũ Tuấn Anh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, nhấn mạnh hay nhất là CPH. Đây là xu hướng các tập đoàn, DNNN phải làm. Thêm vào đó, DNNN phải thực hiện chức năng “mở đường”, đầu tư vào những lĩnh vực chưa ai đầu tư.
“Khi có DN, thị trường ổn định thì nên rút tiền ra làm việc khác, cớ gì cứ phải ôm mãi? Trong việc tái cơ cấu toàn bộ DNNN đang được Chính phủ quyết liệt thực hiện thì phải CPH. Ngay cả Vietcombank cũng phải tiến hành CPH thì cớ gì mà VNPT không thực hiện?”, ông Tuấn Anh nói.
Nguyên lãnh đạo Tổng cục Bưu điện (tiền thân của Bộ TT-TT) ủng hộ việc VNPT CPH Mobifone, chỉ nắm dưới 20% vốn theo Nghị định 25. Khi đó VNPT dốc toàn lực để đầu tư cho Vinaphone phát triển. Làm như thế thị trường sẽ có 3 mạng DĐ đủ mạnh và tiềm năng để cạnh tranh và phát triển, người tiêu dùng được đảm bảo những quyền lợi.
Tuy nhiên, đây lại là bài toán khó, thậm chí là “rất đau” đối với VNPT. Nhưng nếu tái cơ cấu mà không có sự mạnh dạn và chấp nhận “đau đớn”, thì e rằng VNPT khó thay đổi được sự trì trệ trong nhiều năm qua. Khi đó, không chỉ Viettel mà còn nhiều DN khác sẽ vượt qua VNPT trên “sân chơi” viễn thông, vốn được xem là truyền thống và thế mạnh của VNPT. Đây là điều mà có lẽ lãnh đạo VNPT phải tính tới, ít nhất là tại thời điểm hiện nay.
..................................................................................................................................................................