Tuy nhiên, khi thảo luận tại tổ về các quy hoạch này, nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi và giải pháp tạo vốn vì các đề án xác định cần tới 950.000 tỉ đồng để triển khai.
Đừng đặt ra mục tiêu để... lấy thành tích
Trong năm đề án quy hoạch trình HĐND TP Hà Nội xem xét nói trên, nhiều đại biểu dành sự quan tâm đặc biệt đối với các quy hoạch về phát triển hệ thống y tế, phát triển mạng lưới trường học và quy hoạch phát triển nông nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, thực trạng hệ thống trường công lập và các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội hiện đều quá tải tới mức báo động. Để giải quyết nạn quá tải tại trường học và bệnh viện, TP xác định đến năm 2020 sẽ đầu tư xây mới 25 bệnh viện, đến năm 2030 xây thêm 1.215 trường công lập ở các cấp.
Đại biểu Bùi Đức Hiếu (chánh văn phòng HĐND TP) cho rằng nếu TP thực hiện đúng mục tiêu về xây mới bệnh viện trong tám năm tới, tức là đến năm 2020 sẽ có thêm 25 bệnh viện, người dân sẽ rất phấn khởi. Tuy nhiên, ông Hiếu tỏ ý hoài nghi: “Ngay tại thời điểm Hà Nội chào đón đại lễ nghìn năm Thăng Long, khi đó quyết tâm chính trị rất cao nhưng TP cũng không xây mới được bệnh viện nào, vậy trong tám năm tới mà xây đến 25 bệnh viện liệu có quá sức?”.
Theo ông Hiếu, giải pháp tăng thêm bệnh viện để giảm số bệnh nhân trên giường bệnh được nhiều ngành cùng bàn từ nhiều năm qua, nhưng trong triển khai, nếu xét theo số lượng người bệnh trên giường bệnh thì gần như không hiệu quả. “Trước đây đã có lúc ngành y tế xác định xóa tình trạng 2 bệnh nhân/giường bệnh, nhưng bây giờ sau bao năm thực hiện đủ giải pháp thì tình trạng quá tải tới 4-5 người bệnh/giường bệnh là việc... thường thấy, nói bệnh nhân “nằm viện” nhưng đúng ra chỉ được... ngồi” - ông Hiếu bức xúc.
Với quy hoạch phát triển mạng lưới trường học, một số đại biểu cho rằng việc TP xác định giải pháp tập trung nguồn lực xây dựng trường công lập là rất cần thiết, tuy nhiên mục tiêu trong giai đoạn 2012-2020 xây mới 635 trường công lập là khó khả thi. Nhiều đại biểu đề nghị UBND TP trình bày rõ lộ trình thực hiện, tránh việc quy hoạch nêu mục tiêu để lấy thành tích nhưng không triển khai nổi.
Tạo vốn từ đâu?
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (trưởng Ban pháp chế HĐND TP) băn khoăn: “Như UBND TP trình thì chúng ta lấy đâu 700.000-800.000 tỉ đồng để triển khai các dự án”. Tuy nhiên, con số này mới chỉ là nhẩm tính của đại biểu Nam, vì theo UBND TP, để triển khai cả năm đề án quy hoạch kể trên cần khoảng 950.000 tỉ đồng.
“Chỉ tính riêng đề án quy hoạch về phát triển nông nghiệp được TP xác định cần khoảng 200.000 tỉ đồng. Mặc dù việc thực hiện đề án quy hoạch này tới năm 2030 nhưng tôi rất băn khoăn khi chúng ta xác định nguồn vốn ngân sách cấp cho đề án này chỉ có 20%, vậy nguồn vốn còn lại chúng ta lấy từ đâu hay là lại bán đất? Thực tế quỹ đất để tạo vốn hiện nay cũng không còn nhiều, nếu lại dùng đất nông nghiệp để tạo vốn thì càng khó khả thi”- ông Nam phân tích.
Đại biểu Bùi Đức Hiếu dẫn ra đề án quy hoạch phát triển y tế: mặc dù TP xác định cần khoảng 43.000 tỉ đồng, trong đó ngoài phần xác định nguồn vốn từ ngân sách, thì chưa đề cập đến giải pháp tạo vốn.
Theo đại biểu Lê Văn Thư (chủ tịch UBND huyện Từ Liêm), việc thực hiện các quy hoạch ngành nêu trên rất cần gắn với quy hoạch sử dụng đất. “Việc tạo vốn là rất quan trọng nhưng phải dựa trên cơ sở tiền có thể thiếu hôm nay nhưng ngày mai có, còn đất thì không thể nặn ra”- ông Thư nhấn mạnh.
Hôm nay 4-4, HĐND TP Hà Nội tiếp tục thảo luận về các đề án quy hoạch trên và nghe UBND TP giải trình thêm về các băn khoăn của các đại biểu đối với từng đề án.
..................................................................................................................................................................